Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản

Theo khoản 1 điều 476 của Bộ luật Dân sự: Các tổ chức tín dụng/cho vay được quyền ấn định mức lãi suất kinh doanh (huy động, cho vay) bằng đồng Việt Nam với khách hàng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ.
Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố từ đầu năm 2008 đến nay là 8,75%/năm. Điều này chứng tỏ là mức trần lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng là 13,125%/năm (8,75%*150%). Tức là theo luật Dân sự, thì các ngân hàng không được đặt lãi suất cho vay quá mức trần lãi suất này. Nhưng thực tế thì mức lãi suất trung bình mà khối ngân hàng cho các doanh nghiệp vay trong khoảng 17 – 18%/năm thậm chí có lúc vượt quá 22%/năm, trong khi lãi suất huy động tiền gửi bị Ngân hàng Nhà nước giới hạn ở mức trần 12%/năm. Các ngân hàng sẵn sàng đặt mức lãi suất tiền gửi cao hơn 12%/năm để thu hút tiền gửi, nhưng do "vướng trần" nên luôn bị đặt trong tình trạng thiếu thanh khoản (do mức lãi suất do ngân hàng đưa ra không thu hút được tiền gưi từ dân chúng).
Chúng ta thấy rằng mức lãi suất cho vay 17 – 18% của các ngân hàng đã vượt quá trần lãi suất 13,1255%. Nếu căn cứ vào quy định của bộ luật Dân sự, các ngân hàng có thể bị khép vào tội … "cho vay nặng lãi".
Mới đây (17.05.2008), Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh mức lãi suất cơ bản từ 8,75% lên 12%/năm (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19.05.2008). Nếu theo mức lãi suất này thì mức trần lãi suất cho vay bây giờ là 18%/năm (12%*150%). Nhờ đó các ngân hàng tránh được tình trạng 100% vi phạm luật Dân sự. Ngoài ra, việc tăng lãi suất cơ bản còn có những tác động tích cực đến tình hình kinh tế – xã hội hiên nay.
Chúng ta đều biết rằng mức lạm phát hiện nay đang ở mức "phi mã", theo nguồn từ Tổng cục thống kê thì mức lạm phát năm 2007 là 12,63%, lạm phát 4 tháng đầu năm cũng ở mức 11,6% (mức cao nhất trong 16 năm qua). Theo "Báo cáo Kinh tế Việt Nam" do Viện Quản lý kinh tế trung ương (IEM) công bố thì mức lạm phát năm nay ở Việt Nam có thể trên 22%.
Để có thể kiềm chế mức lạm phát thì nhiệm vụ hàng đầu là phải hút tiền từ lưu thông về, mà công cụ hút tiền mạnh mẽ phải kể đến là lãi suất. Việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước sẽ khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi, một khi lãi suất tiền gửi cao mới thu hút tiền từ dân cư về, làm giảm cung tiền trong lưu thông, giảm áp lực lạm phát.
Đứng về phía doanh nghiệp mặc dù phải chịu gánh nặng chi phí đầu vào, nhưng cũng có tác động tín cực là khuyến khích các dự án thực sự có hiệu quả…
Tóm lại việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là một tín hiệu tích cực trong việc cứu nguy cho hệ thống ngân hàng và kiềm chế lạm phát lạm phát trong nước.
Nguồn tham khảo:
– Thời báo Kinh tế Sài Gòn;
– Báo Tuổi Trẻ;
– Báo Thanh Niên;
– Sài gòn tiếp thị;
– Đài tiếng nói Việt Nam.
Từ sau khi Ngân hàng Nhà Nước tăng lãi suất cơ bản, với trần lãi suất là 18%, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại bị thu hẹp do ngoài chịu chi phí huy động vốn cao, còn phải trích dự trữ bắt buộc, trích thanh khoản,v.v. nên để bảo toàn lợi nhuận, các ngân hàng "lách" quy định trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước bằng cách tính phí vào các khoản cho doanh nghiệp vay, đẩy lãi suất vay thực tế lên trên 18%.
Trước tình hình này, mới đây Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng lãi suất cơ bản lên 14% (nâng trần lãi suất lên 21%) và cấm các ngân hàng thương mại thu phí dưới bất kỳ hình thức nào. Các ngân hàng thương mại hiện nay đang chuyển sang hình thức "lách" luật mới là bắt các doanh nghiệp phải ký gửi mới cho vay tiền. Với cách thức này, các ngân hàng thương mại tiếp tục "phá trần" 21% một cách gián tiếp.
Tiêu chuẩn