Tin học

Tìm tin với công cụ GOOGLE

Chúng ta đều biết rằng GOOGLE là công cụ tìm tin hàng đầu hiện nay. Gần như tất cả người dùng Internet ngày nay đều biết công cụ tìm kiếm này. Ngoài việc có cơ sở dữ liệu khủng lồ, giao diện đơn giản, GOOGLE còn cung cấp các toán tử để hỗ trợ trong việc tìm tin được chính xác hơn. Để có thể sử dụng công cụ này một cách có hiệu quả, chúng ta cần nắm một số nguyên tắc và các toán tử cơ bản sau:
(1) Sử dụng toán tử BOOLEAN và các toán tử đặc biệt khác:
– AND (+): và.
VD: A AND B: tìm các trang web vừa có từ khóa A, vừa có từ khóa B.
Mặc định khi nhập các từ khóa vào, GOOGLE hiểu ta đang dùng từ khóa AND
VD: A B: tìm các trang web vừa có từ khóa A, vừa có từ khóa B.
– OR (|): hoặc, thường dùng để mở rộng kết quả tìm kiếm.
VD: A OR B: tìm các trang web có từ khóa A hoặc từ khóa B.
– NOT (-): ngoại trừ, thường dùng để thu hẹp kết quả tìm kiếm.
VD: A NOT B: tìm các trang web có từ khóa A nhưng không có từ khóa B.
– *: ký tự đại diện.
VD: Giả sử ta muốn tìm tài liệu có chứa cụm từ khóa "Học, học nữa, học mãi" nhưng chỉ nhớ "Học … học mãi" thì chúng ta có thể tìm được tài liệu có cụm từ muốn tìm bằng cú pháp sau:
"Học ** học mãi"
Không nhất thiết mỗi dấu (*) tương đương với một từ, chúng ta căn cứ vào độ dài ngắn của các từ còn thiếu để quyết định số dấu (*) cần sử dụng.
– " ": tìm chuỗi từ khóa.
VD: "toán tài chính": tìm các trang web có cụm toán tài chính đứng liền nhau, thay vì các trang có từ toán, tài, chính (các từ này không nhất thiết đứng gần nhau).
– ~: tìm từ đồng nghĩa (áp dụng cho tiếng Anh).
VD: chúng ta có thể tìm các từ đồng nghĩa của motorbike bằng cách sử dụng cú pháp sau:
~motorbike
– .. (hai dấu chấm): tìm dãy số (ngày tháng, tiền tệ, kích cỡ, trọng lượng, chiều cao,…).
VD: Laptop $1000..$1500: tìm các máy tính xách tay có giá từ 1000 USD đến 1500 USD.
Laptop $1000: tìm các máy tính xách tay có giá tối thiểu là 1000 USD.
Laptop ..$1500: tìm các máy tính có giá tối đa là 1500 USD.
Lưu ý:
** Đối với tìm kiếm bằng tiếng Anh, GOOGLE sẽ bỏ qua các từ thông dụng trong chuỗi từ khóa, như: a, an, the, I, who, how, what, where,… để tăng tốc độ tìm kiếm. Muốn buộc GOOGLE tìm các từ này trong chuỗi từ khóa ta dùng toán tử +.
VD: khi muốn tìm cụm "The superman" mà không muốn GOOGLE bỏ qua từ the, ta dùng cú pháp sau:
" +The superman" (phía trước the có khoảng trắng, phía sau không có)
** GOOGLE không phân biệt chữ hoa hay chữ thường.
VD: "Toán tài chính" = "toán tài chính" = ‘tOáN TÀi chÍnh" = …
** Khi dùng từ khóa OR phải đánh in hoa như trên, không viết thường.
** Nếu dùng các ký hiệu +, |, -,*, ~,… thì phía trước ký hiệu có khoảng trắng, phía sau không có khoảng trắng.
VD: A +B
(2) Sử dụng các cú pháp đặc biệt:
– lyrics: tìm lời nhạc Anh.
VD: Khi muốn tìm lời bài "My love" do nhóm Westlife trình bày, ta có thể sử dụng một trong các cú pháp sau:
lyrics:"My love" "Westlife" (nếu biết tên bài hát và tên ca sĩ trình bày)
lyrics:"My love" (nếu chỉ biết tên bài hát)
lyrics:"An empty street, an empty house" (nếu không biết tên bài hát và ca sĩ nhưng biết một đoạn nhạc của bài hát)
– define: tìm định nghĩa của từ/cụm từ bằng tiếng Anh.
VD: giả sử ta muốn biết ý nghĩa của GDP, sử dụng cú pháp sau:
define:GDP
– filetype: tìm các tài liệu có chứa từ khóa theo các dạng file đã chỉ định (doc-Word, ppt-PowerPoint, pdf-Acrobat Reader,…)
VD:"kỹ năng giao tiếp" filetype:ppt: tìm các tài liệu dạng PowerPoint có chứa cụm từ khóa kỹ năng giao tiếp.
– related: tìm các trang có liên quan đến trang được xác định. Đây là cách tốt để loại các trang web không cần thiết.
– cache: đôi khi có những trang web không còn hiện hữu trên mạng nữa, hoặc trang web đó khó vào, chúng ta có thể truy cập vào các trang web này thông qua "bản sao" của chúng trong cơ sở dữ liệu của GOOGLE bằng các dùng cú pháp tìm kiếm đặc biệt này.
VD: để vào trang Đăng ký môn học "khó chịu" của trường Đại học Cần Thơ, chúng ta có thể tìm "bản sao" trang web này trong cơ sở dữ liệu của GOOGLE bằng cú pháp:
cache:dkmh.ctu.edu.vn
Lưu ý khi sử dụng cú pháp đặc biệt:
** Nhập cú pháp theo cấu trúc: tử khóa đặc biệt:từ khóa muốn tìm (không có khoảng trắng trước và sau dấu 🙂
** GOOGLE giới hạn tìm kiếm trong 10 từ (bao gồm các từ khóa và các cú pháp đặc biệt được kết hợp), bỏ qua những gì vượt giới hạn. Chúng ta có thể dùng ký tự đại diện (*) để khắc phục nhược điểm này.
(3) Một số tiện ích khác:
– Chuyển đổi đơn vị: giả sử ta muốn biết 1000 mile bằng bao nhiêu mét, dùng cú pháp sau:
1000 miles in meter
– Tính tỷ giá hối đoái: giả sử ta muốn biết 1000 EUR bằng bao nhiêu USD, dùng cú pháp sau:
1000 EUR in USD
Trên đây là các nguyên tắc cơ bản để tìm tin hiệu quả trên GOOGLE, nếu muốn tìm hiểu sâu hơn về các cú pháp đặc biệt khác, chúng ta có thể search trên mạng, có rất nhiều trang web hướng dẫn chi tiết về cỗ máy tìm kiếm khủng lồ này. Ngoài ra, các bạn cũng có thể sử dụng tính năng tìm kiếm nâng cao của GOOGLE mà không cần nhớ các cú pháp trên. Chúc thành công.
Tiêu chuẩn